Ứng dụng của cọc ván thép - giếng kín
Một trong những ứng dụng phổ biến của cọc ván thép là để xây dựng giếng kín.
Trước hết ta cùng tìm hiểu thuật ngữ "giếng kín" là gì?
Theo Wikipedia Giếng kín - Cofferdams là một vòng bao vây trong môi trường nước được xây dựng lên để ngăn nước sau đó dùng bơm để rút nước đưa ra ngoài với mục đích tạo ra một môi trường làm việc khô ráo bên trong giếng. Giếng kín thường được sử dụng để xây dựng giàn khoan dầu và sửa chữa, xây dựng mố trụ cầu và làm kè, đập, giếng kín thường là một cấu trúc thép hàn tạm thời, và được tháo dỡ sau khi công việc hoàn tất. Các loại vật liệu để tạo nên giếng kín thường bao gồm cọc ván thép, hệ thanh giằng, và hệ văng chống. Giếng kín cũng được sử dụng trong ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu, khi việc đưa một chiếc tàu vào trong ụ tàu để sửa chữa hoặc thay đổi là không đạt hiệu quả kinh tế. Một ví dụ của ứng dụng này là trong việc kéo đấu nối dài thân tàu. Trong một số trường hợp, khi thân tàu được cắt rời trong khi vẫn còn trong nước, và một phần mới của tàu được kéo vào để hàn đấu nối dài con tàu. Việc cắt thân tàu được thực hiện bên trong một giếng kín hàn trực tiếp vào thân tàu, và sau đó được tách xả hai phần thân tàu trôi rời ra. Giếng kín sau đó được thay thế khi các phần thân tàu được hàn nối vào với nhau. Tuy chi phí có cao nhưng điều này có thể thực hiện được, việc sử dụng một ụ tàu thậm chí có thể đắt hơn nhiều lần. Xin xem thêm thùng chắn caisson.
Giếng kín cũng đã được sử dụng để phục hồi tàu chìm trong vùng nước nông.
Theo Tratu.vn ngoài nghĩa giếng kín (rút hết nước để xây móng cầu) còn có nghĩa tường chắn thủy công và đê quai
Từ định nghĩa trên, chúng ta cũng có thể lưu ý hữu ích của giếng kín trên nhiều địa hạt ứng dụng như xây dựng, đóng tàu và thậm chí các công trình khảo cổ học. Tuy nhiên, bất kể sử dụng trong lĩnh vực nào, chức năng chính của giếng kín một là cung cấp một khu vực khô để làm việc và để ngăn chặn việc xâm nhập của nước vào khu vực làm việc khi công việc được tiến hành.
Tại sao cọc ván thép được sử dụng rộng rãi cho Giếng kín?
Điều này là do kết cấu chịu lực của cọc ván thép, quá trình làm việc ngăn nước chặt chẽ do khả năng liên kết của các rãnh khóa (me cừ) và sức kháng mũi lớn xuyên sâu trong hầu hết các loại địa chất. Khả năng được đóng xuyên sâu vào trong lòng đất là rất quan trọng vì điều này ngăn chặn các lớp địa chất yếu chảy lở, hay các "túi rỗng" sập ở dưới cùng của hố đào và ngăn chặn nước xuyên thấm vào các khu vực làm việc.Cọc ván thép được sử dụng để xây dựng giếng kín thường là loại có rãnh khóa (khớp nối liên động) kiểu Larssen thông dụng hoặc kiểu Frodingham (kiểu tay nắm). Loại được sử dụng phổ biến trong các giếng kín thường là loại tiết diện chữ U. Điều này là do thiết kế tốt của tiết diện này bao gồm khả năng liên kết linh động vào nhau và có thể xuyên sâu vào trong đất với ít trở lực nhất. Bên cạnh đó là khả năng tái sử dụng cao của tiết diện chữ U.
Khi làm việc, các giếng kín với tường chắn cọc ván thép chống chịu cả áp lực đất và áp lực nước từ bên ngoài tác động lên tường vây, và áp lực sẽ càng tăng tỉ lệ với chiều sâu hố đào. Vì vậy, để giảm các áp lực, việc giằng chống trong lòng của giếng kín, liên kết lại cho vững vàng hơn đúng là rất quan trọng và để duy trì sự toàn vẹn và an toàn của các khu vực làm việc nội bộ cũng như các công trình, hoạt động xung quanh.Việc thi công giếng kín bắt đầu bằng cách xác định vị trí và hình dạng của các hố đào. Công việc này được thực hiện từ bước khảo sát địa hình. Sau đó công việc đóng cọc được tiến hành. Các biên pháp thi công đóng (búa rung, búa rơi) hoặc ép cọc bằng máy thủy lực ép tĩnh tùy theo điều kiện công trường. Trong quá trình đóng/ép cọc cần đảm bảo cọc được điều chỉnh và hạ xuống thẳng đứng là rất quan trọng. Cần có khung dẫn để quá trình thi công hạ cọc được thuận lợi hơn. Các khung dẫn trên đất có thể được làm thành hai tầng. Một tấng khung dẫn ở trên mặt đất trong khi tầng kia định vị ở vị trí cao hơn. Khung dẫn này có thể được làm kèm một chân đỡ để nó có thể dễ dàng chuyển dịch một đầu gối vào tường cừ đã thi công xong và đầu kia đứng trên chân đỡ. Tuy nhiên đối với việc thi công trên mặt nước, các khung dẫn cần được cố định bằng cọc gỗ hoặc thép được đóng vào trong đất. Vì thế so với việc làm việc trên mặt đất, công việc chuẩn bị thường là nhiều hơn. Cần phải cố định sà lan để không bị trôi nổi tròng trành trên mặt nước.
Giếng kín tường đơn
Các tấm cọc được hạ xuống lần lượt hết cây này đến cây khác, đóng chẵn lẻ hay thi công theo từng mảng cục bộ. Giếng kín có thể là tường đơn hoặc thiết kế tường đôi.
Một giếng kín tường đơn chỉ có một vòng vây tường cừ như hình minh họa trên đây.
Giếng kín tường đôi
Trong giếng kín tường cừ đôi, có 2 lớp vòng vây cừ. Khoảng trống giữa 2 lớp vòng vây cừ được đổ đầy đất hoặc các vật liệu khác. Giếng kín tường đôi có thể chịu được áp lực lớn hơn giếng kín tường đơn.Nhiều khi có những giếng kín rất lớn có thể được thi công tạo thành từ những giếng kín nhỏ hình tròn được gọi là các ô ngăn trọng lực. Các ô ngăn nhỏ này được tạo nên từ cọc ván thép tiết điện U, Z hay tiết diện phẳng (straight web) được thi công rất gần và liên kết với nhau. Chúng ta có thể thấy các giếng kín rất lớn như vậy trong các ứng dụng của các dự án như xây đập, nơi con sông cần phải được chuyển dòng, lấn biển... Kèm theo đây là hình ảnh cấu tạo và các dự án dạng này trong quá trình thi công.